Xây dựng những cuộc hội thoại có ý nghĩa với những người xung quanh không phải là một việc dễ dàng.
Trong cuộc sống vội vã, những cuộc nói chuyện phiếm (small talk) là điều xảy ra thường xuyên và cần thiết. Tuy nhiên, để có được sự thấu hiểu sâu sắc giữa những cá nhân, chúng không phải là một công cụ hay.
Thay vào đó, chúng ta cần học cách xây dựng những cuộc hội thoại có chiều sâu nhằm hướng đến sự lắng nghe và thấu hiểu. Khi đã nắm được các yếu tố căn bản, bạn có thể áp dụng chúng để làm quen với bạn mới, tìm hiểu người đối diện hay giải quyết mâu thuẫn.
Trong bài viết này, cùng đi qua những bước để bạn bắt đầu áp dụng những cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa này vào cuộc sống thường nhật.
Làm sao để bắt đầu cuộc hội thoại có chiều sâu?
Đôi khi cuộc nói chuyện diễn ra quá nhanh, hoặc cảm xúc quá mãnh liệt sẽ khiến cho lời nói và hành động của bạn không còn là những gì bạn muốn truyền tải.
Để tránh gặp phải trường hợp đó, hãy ngừng lại và tự hỏi về cảm xúc của bạn như, “Mình đang có cảm xúc gì?”, “Cơ thể của mình đang cảm thấy thế nào?” Điều này sẽ giúp bạn xác định được vì sao bạn muốn nói chuyện và khiến bạn chú ý hơn đến cách phản ứng với thông tin.
Nhìn lại cảm xúc của bản thân giúp bạn điều khiển chúng dễ hơn trong cuộc trò chuyện.
Ví dụ, trong cuộc nói chuyện nhằm giải quyết những hiểu lầm với một người bạn, việc ý thức được mình đang cảm thấy khó chịu sẽ giúp bạn kiềm chế những hành động bộc phát. Nó giúp bạn nhớ về mục đích ban đầu và không để bản thân bị cuốn vào tình huống nếu chẳng may họ có những phản ứng tiêu cực như lớn tiếng hay xúc phạm bạn.
Điều bạn nên làm là bình tĩnh đưa câu chuyện về với mục đích ban đầu, giải thích với họ vì sao bạn lại cảm thấy khó chịu. Trong tình huống xấu nhất là người bạn ấy không bình tĩnh lại, bạn vẫn hoàn thành được những gì bạn đặt ra và từ đó đưa ra những quyết định tiếp theo cho mối quan hệ.
Lắng nghe bản thân
Trong văn hóa Á Đông, việc một người muốn ngồi xuống và nói chuyện nghiêm túc với bạn thường là dấu hiệu của việc bạn đã làm sai gì đó, đặc biệt là trong gia đình. Vì thế, nói chuyện nghiêm túc và sâu sắc thường bị gắn mác là “mệt mỏi và tiêu cực”.
Biết được điều này, hãy bắt đầu những cuộc nói chuyện với tinh thần thoải mái. Tập cách mời bất kì ai tham gia vào cuộc nói chuyện như một trò chơi. Những trò chơi trong các buổi tiệc như xoay chai, thật hay thách, rút thẻ bài là lựa chọn tốt để bạn tạo nên một môi trường quen thuộc và vui vẻ để họ mở lòng.
Ngoài ra, nếu những người chơi đủ thoải mái và cùng đồng thuận, bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một cái ôm thật chặt, hoặc một cái vuốt nhẹ lên bàn tay. Điều này sẽ giúp những người tham gia cảm thấy gắn kết, đồng thời tạo ra một không khí thật yêu thương cho buổi trò chuyện.
Bắt đầu cuộc nói chuyện với tinh thần "thoải mái và cởi mở".
Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, trao đổi với đối phương/ nhóm về ý định đưa bạn đến cuộc trò chuyện. Chẳng hạn “Mình ở đây để lắng nghe và chia sẻ với cảm xúc tiêu cực của cậu” hoặc “Tôi muốn được hiểu hơn về cộng đồng này để tôi cảm thấy thuộc về nó hơn.”
Việc trao đổi ý định sẽ giúp bạn không trở thành một cỗ máy tự động. Bạn sẽ quan tâm hơn đến cách mình phản ứng và hướng cuộc trò chuyện đến với mục đích mong muốn. Đồng thời, những cá nhân trong cuộc trò chuyện sẽ hiểu vì sao bạn lại có những câu hỏi này, từ đó tránh được những hiểu lầm không đáng có.
Ví dụ, khi đặt ra mục đích là lắng nghe và chia sẻ, bạn sẽ ngăn được bản thân cho đối phương lời khuyên khi họ không muốn, hay chất vấn cảm xúc của họ. Chính đối phương khi đã hiểu được mục đích của bạn, họ sẽ thoải mái chia sẻ hơn mà không phải sợ mình đang nói quá nhiều, hay vì sao bạn chỉ im lặng lắng nghe.
Trình bày với người trong cuộc về ý định của bạn trước khi bắt đầu nói chuyện.
Trong khi cuộc nói chuyện diễn ra, có 3 điều sau bạn nên lưu ý.
Để có thể thấu hiểu và khiến cuộc trò chuyện có ý nghĩa, tránh đưa ra những câu hỏi quá trừu tượng như “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, “Tình yêu không điều kiện có thật không?”. Thay vào đó, hãy hướng tới những câu hỏi khơi gợi.
Ví dụ: Thay câu hỏi “Đối với bạn, tình yêu vô điều điều kiện có thật không” bằng “Kể về một lần bạn thấy bạn được yêu thương một cách vô điều kiện.”
Chia sẻ câu chuyện cá nhân là một việc làm đòi hỏi người kể phải đặt họ vào trong một trạng thái dễ bị tổn thương (vulnerable state). Việc làm này đòi hỏi sự dũng cảm và một môi trường mà họ thấy đủ an toàn. Tất nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng với điều đó.
Có rất nhiều yếu tố ngoại vi như quan hệ gia đình, trải nghiệm sống, khác biệt văn hóa,... khiến một người khó mở lòng. Hiểu được điều này, việc tốt nhất bạn có thể làm là thông cảm. Hãy tin rằng việc bạn mở lòng và chia sẻ sẽ có một tác động đến họ, và khi đã sẵn sàng, họ sẽ mở lòng với bạn.
Hãy dành sự quan tâm đến cách bạn đặt ra và trả lời những câu hỏi.
Khi một người tự nhận xét rằng “tôi thật ích kỉ” hay “mình thấy mình đã đối xử tệ với người cũ”, điều tốt nhất bạn có thể làm là đối xử với những lời này bằng sự cảm thông.
Đừng phủ nhận những nhận định này như “Mình thấy bạn rộng lượng mà”, “thật ra người cũ của cậu cũng đâu có đối xử tốt với cậu.” Thay vào đó, những câu hỏi như “Điều gì khiến bạn nghĩ vậy?”, “Dạo này có chuyện gì hả, sao hôm nay nghĩ lại về chuyện cũ?” sẽ tạo điều kiện cho người nói trải lòng và tự chữa lành bản thân.
Khi cuộc nói chuyện kết thúc, bạn đừng quên dành lời cảm ơn đến những người đã tham gia. Bởi việc chia sẻ và mở lòng không hề dễ dàng, hãy dành sự cảm kích chân thành nhất cho lòng dũng cảm và sự cố gắng của họ.
Một trong những yếu tố quan trọng của một lời cảm ơn là sự chi tiết. Vì thế bạn nên tập cách cảm ơn những thứ thật cụ thể của từng cá nhân. Điều đó sẽ khiến lời cảm ơn ý nghĩa hơn rất nhiều.
Một cái ôm thắm thiết cùng sự chân thành cũng là một cách hay để kết thúc cuộc nói chuyện.
Những bước trên có thể yêu cầu nhiều chi tiết hơn những cuộc trò chuyện phiếm thông thường. Điều đó dễ khiến bản nản lòng, sợ sai và không muốn thực hành chúng.
Một trong các châm ngôn của văn hóa trò chuyện này là “tình yêu là sự luyện tập”. Hãy thực hành những bước này theo cách mà bạn thấy là phù hợp với sự yêu thương và cảm thông dành cho những người tham gia.
Dù mắc lỗi hay lỡ lời, tình yêu thương và sự quan tâm của bạn đối với người bạn đang nói chuyện cũng sẽ được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Sau cùng, điều quan trọng nhất trong một cuộc nói chuyện sâu sắc vẫn là một khối óc rộng mở và một trái tim chân thành.