Hiện tượng “uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời” giải thích trên góc độ tâm lý học.
Điều gì xảy ra với não khi ta thầm thương trộm nhớ crush?
Có lẽ ai cũng từng “thầm thương trộm nhớ” một người, và đặc biệt là cảm xúc này còn mang tính chất “gây nghiện”. Bởi mỗi khi gặp người ấy, tim chúng ta bỗng đập rộn ràng, miệng lắp bắp không nói nên lời còn hai má thì đỏ hây hây.
Crush một người tô điểm thêm màu hồng cho cuộc sống, với nhiều kỳ vọng và mộng tưởng của bản thân. Vậy tâm lý ta biến đổi như thế nào khi trái tim biết “say nắng” người khác?
Bộ não có một nơi rất thú vị gọi là “hệ thống nhận thức” (cognitive network). Đây là nơi lưu giữ mọi ký ức, kinh nghiệm, sở thích và hình ảnh bản thân của chúng ta.
Theo giáo sư tâm thần học Stephanie Cacioppo, hệ thống này được kích hoạt khi ta thấy một người có tiềm năng làm bạn đời của mình, bất kể đó là người quen hay người lạ. “Về cơ bản, nó chỉ dẫn cho ta người nào có thể yêu”, bà Cacioppo chia sẻ trên Insider.
Quá trình này diễn ra rất nhanh so với tốc độ nhận thức của chúng ta. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó có thể kích thích những phản ứng sinh lý như tim đập nhanh, toát mồ hôi và đỏ mặt. Đây chính là lý do cứ nhìn thấy crush là ta lại “tim đập chân run” rồi ấp úng không nói nên lời, dù trong thâm tâm ta rất muốn thể hiện tình cảm với họ.
Hệ thống nhận thức của não chính là lý do ta cứ nhìn thấy crush là “đỏ mặt tía tai”
Tương tự như tình yêu, khi lỡ sa vào ánh mắt của crush, não bộ sẽ tự động sản sinh dopamine - hormone trao thưởng khiến ta thấy rạo rực, vui vẻ và háo hức hơn. Thậm chí chưa cần nhìn thấy crush, chỉ cần nghĩ về họ là dopamine đã được giải phóng rồi. Dĩ nhiên là não thích cảm giác hạnh phúc ấy, vì vậy chúng ta không ngừng suy nghĩ về crush, và chỉ muốn tìm cơ hội để gặp họ.
Tuy nhiên ở thời điểm này, những suy nghĩ của bạn về crush phần nhiều là lãng mạn hóa (romanticize), vì bạn chưa biết nhiều và chưa thực sự tương tác với họ. Theo Varsity, khi đã biết về crush nhiều hơn, sẽ có lúc hình tượng của họ sụp đổ trong lòng bạn. Lúc này dopamine chính là yếu tố “giữ chân” bạn lại. Bạn có thể muốn ngừng crush họ, nhưng việc gặp họ sẽ lại khiến trái tim bạn tiếp tục chạy theo tiếng gọi của niềm vui.
Bên cạnh dopamine, não bộ cũng sản sinh nhiều oxytocin khi ta say nắng một người. Loại hormone này kích thích cảm giác ấm áp và ngọt ngào, giúp ta duy trì tình cảm với người ấy. Vì vậy oxytocin còn được gọi là “hormone tình yêu”.
Tuy nhiên khi oxytocin và dopamine được sản sinh quá nhiều, chúng khiến ta có xu hướng hành động dựa trên cảm xúc nhiều hơn là lý trí. Một trong những hành vi “cảm tính” đó là việc ghen tuông hoặc nổi giận vô cớ nếu crush đi cùng người khác giới, dù ta chưa là gì của họ. Theo chuyên gia giáo dục giới tính Melissa Fabello, tác động mạnh của 2 hormone trên khiến chúng ta đôi khi cảm thấy mong muốn của mình bị đe dọa.
Tiếp nối dopamine và oxytocin, 3 loại hormone tiếp theo thay đổi khi trái tim “rung rinh” là norepinephrine, cortisol và serotonin.
Norepinephrine và cortisol đều được tiết ra từ tuyến thượng thận, và đều gia tăng khi ta gặp crush. Norepinephrine có chức năng huy động não và cơ thể hoạt động, vì vậy nó khiến ta hưng phấn và tiếp nhận thêm nhiều ký ức mới hơn.
Còn cortisol vốn là hormone chống stress của cơ thể. Nó hoạt động bằng cách tăng đường huyết và thúc đẩy chuyển hóa chất béo, protein và carbohydrate. Điều này lý giải vì sao ta cảm thấy như được sạc thêm năng lượng sau mỗi lần được gặp crush.
Cortisol khiến ta như được sạc thêm năng lượng mỗi khi gặp crush
Serotonin còn được biết đến là hormone cân bằng cảm xúc, cũng như điều hòa giấc ngủ, ăn uống và hệ tiêu hóa. Ngược lại với 2 hormone kia, lượng serotonin sẽ giảm xuống khi ta say nắng ai đó. Đây chính là lý do hồi còn đi học, chúng ta vẫn hay được bố mẹ khuyên đừng nên thích ai trong lớp. Bởi sự sụt giảm serotonin sẽ khiến ta mất ăn, mất ngủ và mất tập trung, trong nhiều trường hợp ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành.
Bên cạnh các yếu tố tâm lý, thì hiện tượng “say nắng” người khác cũng liên quan nhiều đến những phản ứng sinh lý. Khi đối diện với crush, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight response) khiến nhịp tim tăng nhanh bất thường, bối rối và ngại ngùng.
Phản ứng sinh lý của tình yêu lên não bộ đã được chứng minh trong một thí nghiệm của nhà nhân chủng học Helen Fisher năm 2005. Trong thí nghiệm, 2500 người tham gia được cho xem hai bức ảnh, một của người họ “crush” và một của người quen bình thường. Nhìn vào hình chụp cộng hưởng từ não (fMRI) ở hai thời điểm đó, tổ nghiên cứu nhận thấy sự khác nhau rõ rệt.
Khi người tham gia nhìn ảnh của crush, các vùng não liên quan đến cảm xúc khi yêu được kích thích mạnh mẽ: vùng nhân đuôi (caudate nucleus), hệ thần kinh tưởng thưởng (reward center) và vùng não bụng (ventral tegmental area) - vùng gia tăng cảm giác hưng phấn và thoải mái.
Việc “say nắng” một người có thể khởi đầu cho một mối quan hệ lãng mạn nghiêm túc. nhưng cũng có thể… không đi tới đâu. Theo nhà tâm lý học Josh Klapow, những rung cảm trong giai đoạn crush vẫn xuất hiện và duy trì ở nhiều cặp đôi đang yêu. Trong khi đó với những mối tình không thành, cảm xúc yêu thích và vui vẻ khi crush sẽ dần phôi pha.
Tuy nhiên nếu crush người khác quá mức, ta dễ rơi vào trạng thái “lụy” họ, thậm chí đánh mất chính mình (do cố thay đổi bản thân để khiến họ chú ý). Chính vì vậy, nếu biết mối tình không thể thành hiện thực, bạn nên “uncrush” người ấy càng sớm càng tốt. Giáo sư Cacioppo đã chỉ ra, bạn có thể làm việc này bằng sự quyết tâm, tính kỷ luật và một số kỹ thuật thiền định.