Có nhiều trải nghiệm chưa chắc đã có nhiều kinh nghiệm. Biết nhiều tri thức không đồng nghĩa với có trí tuệ. Điều gì mới giúp bạn phát triển bản thân?
Nếu xem sự hiểu biết của con người là một đại dương rộng lớn, thì nguồn nước của nó được cung cấp bởi 4 con sông: kiến thức, kinh nghiệm, thông minh và trí tuệ. Chúng kết thông với nhau, nhưng đồng thời cũng tự có dòng chảy riêng ra biển.
Trong thực tế thì 4 dòng chảy này trông như trộn lẫn vào nhau, khiến chúng ta thường rối bời khi muốn mở rộng hiểu biết, cải thiện cuộc sống.
Dấu hiệu của sự rối bời này là những câu hỏi như:
Bạn yên tâm, đây là những dấu hiệu đáng vui mừng, vì lúc chúng ta bắt đầu trăn trở đặt câu hỏi, cũng là khi ta dần thấy rõ đại dương hiểu biết của chính mình.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Hãy bắt đầu bằng các khái niệm: kiến thức, kinh nghiệm, thông minh và trí tuệ.
Nguồn: Internet
Kiến thức là tập hợp những thông tin, sự thật, lý thuyết, những hiểu biết về thế giới mà ta có được thông qua học hỏi, nghiên cứu và trải nghiệm.
Có thể xem nó như là một thư viện rộng lớn mà người ngoài sẽ không thể biết trong đó có gì. Chỉ bạn mới biết cuốn sách “10 cách để thuyết phục con mèo đen nhà bạn” được cất ở kệ nào, hàng thứ mấy.
Ở thời đại này, nguồn nước cho con sông kiến thức đến dồi dào từ Google, mạng xã hội,… Nhưng nó cũng dễ bị ô nhiễm với những thông tin sai lệch, tiêu cực,…
Cách duy nhất để bảo đảm chất lượng nước là tự tạo ra bộ lọc thông tin cho tất cả các kênh: đọc sách có chọn lọc, theo dõi kênh uy tín, kiểm tra độ xác tín của nội dung bạn tiêu thụ,…
Ở thời đại này, nguồn nước cho con sông kiến thức không bao giờ cạn, nhưng dễ bị ô nhiễm hơn.
Những cơn mưa lớn và địa hình dốc gập ghềnh giúp bồi đắp phù sa cho những con sông. Những thử thách và sai lầm mang đến những trải nghiệm khó quên cho cuộc đời mỗi người.
Mỗi trải nghiệm đó có thể để lại kiến thức và bài học. Kiến thức là những thông tin, hiểu biết chung mà bạn thu nhặt được ngay và cất lại ở “thư viện”. Nhưng bài học thì cần có sự quan sát, phân tích, đúc kết từ mỗi người. Nếu không, nó sẽ tan biến như bọt nước nơi chân thác.
Thiếu đi bài học - thứ thay đổi hành vi, trải nghiệm sẽ không thể trở thành kinh nghiệm sống của bạn.
Mình đã có trải nghiệm xây dựng lều của người Mông Cổ, nhưng không học được bài học gì để áp dụng cho cuộc sống sau này, nên nó chỉ dừng lại là trải nghiệm.
Mình đã có trải nghiệm kẹt xe ở đoạn đường có xe lửa đi ngang lúc 7h. Lần sau mình sẽ cố đi sớm hơn, hoặc trễ hẳn 30 phút. Đó là kinh nghiệm.
Đôi khi người khác cũng có thể chia sẻ nước ở con sông kinh nghiệm của họ cho bạn, hãy cẩn thận đón nhận và đưa về nhánh sông kiến thức của mình với đầy đủ bộ lọc như đã nói ở phần trên.
Nhiều trải nghiệm không đồng nghĩa với nhiều kinh nghiệm.
Con sông này có hai nhánh phụ:
Ta có thể không tác động được đến trí thông minh sinh học, nhưng có thể cải thiện được trí thông minh nói chung, thông qua học, hiểu và áp dụng nhiều lối tư duy khác nhau để cho ra phân tích phù hợp nhất.
Trí thông minh cũng có thể được cải thiện.
Dòng sông này chỉ lấy một phần nước từ 3 con sông kia một cách cẩn thận, có giới hạn để tạo ra hệ thống những giá trị, niềm tin, quan điểm. Hệ thống này quyết định cách một người đối diện với hoàn cảnh sống hiện tại như thế nào: tích cực, tiêu cực, ranh mãnh, từ tốn, bao dung, chấp nhặt…
Trí tuệ không chỉ đơn giản là biết sự thật. Nó là sự hiểu sâu sắc về ngữ cảnh của chúng, khả năng phân biệt đúng sai và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn.
Đó là sự kết hợp của kiến thức được biến thành hành động, kinh nghiệm được chắt lọc thành bài học cuộc sống và trí thông minh được định hướng theo mục đích tốt đẹp. Nếu đạt được điều này thì một người trẻ tuổi cũng có thể có nhiều trí tuệ.
Cậu bé chăn cừu Santiago trong cuốn Nhà Giả Kim của Paulo Coelho luôn nhìn nhận thế giới với thái độ của một người ham học. Cậu cho rằng mọi thứ trên đời đều có thể dạy mình điều gì đó:
Cuối câu chuyện, Santiago không chỉ tìm thấy kho báu của mình mà còn trưởng thành hơn rất nhiều. Kho báu mà cậu tìm thấy không chỉ là vàng, mà còn là sự hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn đề cốt lõi của đời người.
Trí tuệ không chỉ đơn giản là biết sự thật.
Có nhiều bằng cấp, đọc nhiều sách, những thứ đại diện cho kiến thức không bảo đảm là ta sẽ thành công. Có nhiều tuổi, nhiều trải nghiệm không bảo đảm là ta luôn đưa ra quyết định đúng đắn. Nhận được nhiều lời khen về sự thông minh, nhanh trí không bảo chứng rằng ta sẽ luôn đạt được những điều ta muốn.
Vì thế, hãy nâng cấp mục tiêu mở rộng đại dương hiểu biết thêm một cấp độ nữa, đó là mở rộng nó bằng nhiều nhất có thể nguồn nước của sự trí tuệ.
Đến đây, mình không nghĩ bản thân có thể chỉ ra cho bạn cách tốt nhất để đạt mục tiêu trên. Nhưng nếu bạn đang tìm thông tin tham khảo, hãy thử cách mình đang áp dụng dưới đây:
Với một chủ đề nhất định, mình thu thập kiến thức từ tư liệu dưới nhiều góc nhìn nhất có thể. Ví dụ để hiểu hơn về sự may mắn, mình đọc 8-10 cuốn sách ở đa lĩnh vực: triết học, tôn giáo, kinh tế học, khoa học,…
Mình chọn thu thập kiến thức từ kinh nghiệm của người khác, đặc biệt là từ những người đã có trí tuệ trong chủ đề đó, bởi điều gì đã xảy ra với người khác thì cũng có thể xảy ra với mình.
Dành thời gian để suy ngẫm, tiêu hóa những kiến thức đã thu thập được. Đối chiếu, kết nối, phân tích một cách hệ thống các góc nhìn lại với nhau, từ đó đúc kết ra những kết luận của riêng bạn.
Phần thú vị nhất của bước này đó là khi hồi tưởng lại những trải nghiệm trong quá khứ của bản thân, bạn sẽ nhận được những khoảnh khắc “eureka”. Đó là khi những bài học được thổi bay lớp bụi phủ kín!
Ví dụ như bài học “nhìn lên khi bắt đầu, nhìn xuống khi đang đi, và nhìn lại khi nghỉ ngơi” trên hành trình tới Everest Basecamp, mình chỉ nhận ra lúc ngồi chiêm nghiệm lại toàn bộ chuyến đi khi đã về Việt nam.
Bạn có thể kể chuyện bằng cách viết nhật ký, viết blog, hay nói chuyện với bạn bè,… mỗi lần như vậy là ta lại bắt đầu vòng lặp của bước 1 và 2. Bạn sẽ thấy có những khi bài học hiện ra trong lúc bạn kể chuyện.
Điều quan trọng là cả 3 bước hành động này cần được thực hiện với một thái độ có sự cân bằng của trí tò mò và sự khiêm tốn. Đó là vì trí tuệ không xuất hiện nếu ta lười biếng tìm tòi. Trí tuệ cũng đóng băng, hay thậm chí lụi tàn, khi ta tự cao nghĩ rằng mình đã biết tuốt.
Trí tuệ không chỉ đến từ một nguồn.
Từ sông sâu kiến thức tới biển rộng trí tuệ
Một con đường phổ biến khác để mở rộng trí tuệ là là Learn – Unlearn – Relearn, nhưng mình nghĩ rằng sẽ có nhiều điều để nói, nên xin hẹn ở một bài viết khác.
Cuối cùng, mình có câu hỏi này muốn cùng bạn suy ngẫm: Liệu có phải đại dương hiểu biết càng rộng lớn, ta lại càng cảm thấy rõ sự cô đơn?