Ở tuổi thanh thiếu niên, ắt hẳn không ít lần bạn cảm thấy mệt mỏi khi tự so sánh bản thân với những người bạn đồng trang lứa.
Điều này không mất đi khi bạn dần trưởng thành. Ngược lại, bạn còn cảm thấy áp lực đè nặng hơn khi những người bạn của mình có được một công việc tốt, mức lương cao và cuộc sống gia đình ổn định.
Đó gọi là peer pressure, hay áp lực đồng trang lứa. Tuy nhiên, loại áp lực này không hẳn là xấu nếu bạn biết cách tận dụng và chuyển đổi nó thành động lực.
Thông thường, đồng trang lứa hay được hiểu là bạn bè xung quanh mình. Tuy nhiên, nó nên được định nghĩa một cách đầy đủ hơn là bất kỳ ai có tuổi tác và địa vị tương tự trong xã hội.
Đó có thể là bạn học, bạn cùng tuổi, đồng nghiệp cùng công ty, hoặc người có kinh nghiệm làm việc tương đương trong cùng một lĩnh vực.
Peer pressure (Áp lực đồng trang lứa) nói về ảnh hưởng mà những người đồng trang lứa này có thể tác động lên nhau. Khi gặp loại áp lực này, bạn sẽ luôn có cảm giác rằng mình phải đạt được những điều giống như những người đồng trang lứa trong xã hội đang làm để được yêu mến và tôn trọng.
Định nghĩa peer pressure
Áp lực đồng trang lứa thường được cho là tiêu cực, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào nó cũng mang lại tác động xấu.
Mặt tích cực mà peer pressure mang lại chính là nó thúc đẩy và tạo động lực để bạn trở nên tốt hơn, luôn luôn phấn đấu và phát triển.
Tuy nhiên, nếu bạn quá đặt nặng sự cạnh tranh và vấn đề hơn thua, peer pressure sẽ đem lại cảm giác rằng bạn bắt buộc phải vượt qua họ, bắt buộc phải trở nên tốt hơn thế. Từ đó, bạn sẽ buộc mình rơi vào những căng thẳng và áp lực của việc phải tiến bộ và thay đổi.
Đi sâu hơn nữa, áp lực đồng trang lứa còn có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực khác, chẳng hạn như mặc cảm, tự ti về bản thân, và ganh tị với người khác, v.v.
Có nhiều nguyên nhân xuất phát từ cả bên trong suy nghĩ của bạn và những tác động từ môi trường bên ngoài khiến bạn bận tâm đến thành tích của người khác.
Đó có thể là sự so sánh hay tung hô của những người xung quanh dành cho một ai đó trạc tuổi với bạn. Và vô tình bạn bị tạo một áp lực lớn cho bản thân về việc phải thành công được như người đó.
Nguyên nhân của áp lực đồng trang lứa
Peer pressure thường xuất hiện trong những ngữ cảnh như bạn mong muốn được hòa nhập, bạn bị chuẩn mực của xã hội giới hạn, hay những khi bạn bị kẹt lại trong mê cung khám phá bản thân của chính mình.
Những lúc này, cảm xúc tiêu cực hay mặc cảm rất dễ xuất hiện và khiến bạn liên tưởng đến sự thành công của những người bạn đồng lứa khác.
Để vượt qua áp lực peer pressure, bạn cần phải vượt qua rào cản của chính mình đặt ra. Thành lập và trân trọng những nguyên tắc sống hướng tới những giá trị cá nhân nhiều hơn.
Bạn không nhất thiết phải thay đổi hay làm điều gì đó giống như bất cứ ai nếu bạn cảm thấy không thoải mái hay nó không có tác động tích cực lên cuộc sống của bạn.
Hiểu rõ bản thân và trân trọng cảm xúc của mình
Điều này không có nghĩa là bạn cứng đầu và không chịu thay đổi để tiến bộ. Mỗi người đều có cuộc sống, lý tưởng và mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Những điều hữu ích cho cuộc sống của người khác chưa chắc đã là điều mà bản thân bạn cần.
Vì vậy, điều quan trọng là hãy luôn hiểu rõ về bản thân và những điều mình thật sự cần.
Trước khi tự tạo ra áp lực phải “hơn người”, hãy suy nghĩ về giới hạn khả năng và những điều kiện mà bạn có trong tay.
Một nguyên nhân thường dẫn đến peer pressure chính là lấy chuẩn mực của người khác để áp đặt vào cuộc sống của mình. Họ có thể có điều kiện thuận lợi hơn, hoặc đã chuẩn bị từ rất lâu cho những mục tiêu của họ.
Vì lẽ đó, bạn chỉ cần xác định rõ những mục tiêu, giới hạn của bản thân mình. Sau đó nỗ lực để đạt được những nguyện vọng mình đã đề ra. Sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy nóng ruột khi thấy mình thành công chậm hơn những người khác.
Thế nhưng, thành công của mỗi người không được đo đạc dựa theo tiêu chuẩn thời gian. Miễn là bạn vẫn đang phấn đấu và đi đúng hướng trên con đường của mình, bao lâu cũng không quan trọng.
Đôi khi, peer pressure có thể được giải quyết đơn giản bằng những lời từ chối thẳng thắn. Không ai có thể gây áp lực hay bắt buộc bạn phải làm những điều bạn không cảm thấy phù hợp, thậm chí chỉ trích những quyết định của bạn.
Tránh xa tiêu cực
Hãy luôn nhớ rằng, quyền lựa chọn làm gì, ưu tiên điều gì trước luôn trong tay bạn. Mỗi quyết định đưa ra đều không có đúng sai, chỉ có phù hợp với bản thân và cuộc sống của bạn hay không mà thôi.
Và nếu bạn cảm thấy những gì bạn bè đồng trang lứa đang làm không phải những gì bạn cần, hãy từ chối thay vì cố gắng chạy theo họ, chỉ bởi vì muốn được thành công như họ.
Peer pressure luôn bị hiểu là một loại cảm xúc tiêu cực như ganh tị, đồ kỵ với người khác. Chính vì vậy mà không ít người cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, thay vì chia sẻ.
Thế nhưng, đó lại là lúc bạn cần nhận sự hỗ trợ từ một người đáng tin cậy như cha mẹ, người thân, bạn bè, giáo viên, hoặc cố vấn nghề nghiệp.
Một người đáng tin cậy có thể lắng nghe bạn và đưa ra những lời khuyên khách quan phù hợp với hoàn cảnh của bạn.
Hãy có một thái độ tích cực với peer pressure, rằng nó chính là cơ hội để bạn nhìn ra điều bạn đang thiếu.
Bạn không nên chỉ cảm thấy áp lực hay tiếc nuối vì những gì bạn bè đồng trang lứa đạt được còn mình thì không. Hãy cố gắng chinh phục nó để bản thân trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần chắc chắn rằng đó là những giá trị thích hợp với bản thân mình.
Cải thiện bản thân
Nhìn chung, peer pressure không hề đáng sợ như bạn vẫn nghĩ. Bạn chỉ cần hiểu bản thân mình và học cách tận dụng những áp lực đó để phát triển bản thân mà thôi.
Cho dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng đừng nên so sánh bản thân mình hoặc cố gắng hơn thua với bất kỳ ai. Bạn chỉ cần làm những gì tốt nhất và vừa đủ nhất cho bản thân là được!